Giao dịch tiền điện tử đem về cho các nhà đầu tư nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ. Thông thường, các hoạt động kinh doanh đều phải tiến hành nộp thuế. Vậy liệu pháp luật Việt Nam có đánh thuế tiền điện tử hay không? Ở bài viết dưới đây, chúng ta sẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi kể trên, cũng như tìm hiểu một số quy định của pháp luật Việt Nam về đánh thuế tiền điện tử nhé!

Các quy định về đánh thuế tiền điện tử trong pháp luật
Trước khi trả lời cho câu hỏi liệu Việt Nam có đánh thuế tiền điện tử không? Chúng ta sẽ tìm hiểu một vài quy định của luật pháp liên quan đến tiền điện tử nhằm hiểu hơn về vấn đề trên.
Ngày 27/2/2014, thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến tiền ảo có chỉ ra một số điểm chính, đây cũng là quan điểm của hệ thống ngân hàng của nước ta đối với hình thức tiền tệ này, cụ thể:
- Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số không được phát hành bởi chính phủ. Nó được tạo ra thông qua hệ thống máy tính kết nối mạng ngang hàng.
- Khẳng định Bitcoin gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người dùng. Có thể trở thành công cụ phạm tội như rửa tiền, trốn thuế…Bitcoin ẩn chứa rủi ro bong bóng tài chính. Các nguy cơ mà người sử dụng Bitcoin gặp phải sẽ không được pháp luật giải quyết. Điều này là bởi Bitcoin không được chính phủ kiểm soát.
- Việc sử dụng Bitcoin để làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Tiền điện tử có phải là tài sản không?
Muốn xác định có đánh thuế tiền điện tử hay không thì trước hết, cần xem xét liệu tiền điện tử có phải là tài sản hoặc hàng hóa hay không.
Trước tiên, cần nhận định rằng Việt Nam vẫn chưa có các quy định hay khung pháp luật quy định rõ ràng về tiền điện tử. Thậm chí, chúng ta vẫn chưa có khái niệm cụ thể về nó. Hiện nay có rất nhiều khái niệm đang cùng tồn tại như tiền mã hóa, tiền số, tiền kỹ thuật số…Việc chưa có cách hiểu thống nhất về tiền điện tử khiến loại hình tiền này gặp khó khăn về mặt pháp lý. Để xác định Pháp luật có đánh thuế tiền điện tử hay không, cần xác định liệu tiền điện tử thuộc phân loại tài sản hay hàng hóa.
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp luật nào khẳng định tiền điện tử là tài sản hay hàng hóa. Cụ thể, điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 có chỉ rõ: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Đó cũng có thể là tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai. Trong đó:
- Vật là bộ phận tồn tại trên thế giới dưới các dạng rắn, lỏng, khí và con người mới có thể chiếm hữu được.
- Tiền là hình thức thanh toán do Ngân hàng trung ương phát hành, có chức năng dùng để định giá các loại tài sản khác.
- Giấy tờ có giá. Là các loại giấy tờ có giá trị đo được bằng tiền, có thể lưu thông trong hoạt động dân sự. Gồm có hối phiếu, séc, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty.
- Quyền tài sản là quyền có thể định giá bằng tiền. Gồm có quyền tài sản sở hữu trí tuệ, quyền hưởng dụng…
So sánh với các khái niệm kể trên, có thể thấy tiền điện tử không thuộc về bất cứ khái niệm nào trong 4 loại kể trên. Do đó, không thể xem tiền điện tử là tài sản.
Bộ luật Thương mại của Việt Nam cũng không hề có quy định nào chỉ ra rằng tiền điện tử là hàng hóa.
Pháp luật có đánh thuế tiền điện tử hay không

Việt Nam có đánh thuế tiền điện tử không? Như đã phân tích ở trên, tiền ảo vẫn chưa được xem là tài sản trong luật Dân sự hay hàng hóa trong luật Thương mại. Luật pháp Việt Nam chưa hề có khung pháp lý rõ ràng về tiền ảo. Do đó, các hoạt động liên quan đến tiền ảo với mục đích sinh lợi không chịu sự tác động của luật thuế.
Ví dụ điển hình là sự việc ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã hủy Quyết định của Chi cục Thuế thành phố Bến Tre đối với việc truy thu 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và 1.6 tỷ thuế thu nhập cá nhân với ông Nguyễn Việt Cường. Số tiền thuế xuất phát từ nguồn thu của ông Cường khi tham gia giao dịch tiền điện tử.
Việc Chi cục thuế Bến Tre truy thu thuế đối với loại tiền ảo Bitcoin đồng nghĩa với cơ quan này đã thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hóa. Trong khi đó, chưa có quy định pháp luật nào tại Việt Nam xác định rằng Bitcoin là hàng hóa. Như vậy, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có quy định đánh thuế tiền điện tử.
Tiền ảo trong lĩnh vực pháp luật kinh doanh

Theo Luật đầu tư 2014 đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Các chủ thể được thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh các ngành nghề mà Luật Đầu tư không cấm. Trong đó, không có các quy định cấm liên quan đến tiền điện tử.
Trên thực tế, các hoạt động huy động vốn (ICO) trên sàn giao dịch tiền điện tử vẫn diễn ra phổ biến. Các chủ thể thực hiện các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng, góp vốn đầu tư bằng tiền điện tử. Tuy nhiên, quy trình thành lập công ty hay xác định mã thuế vẫn không được pháp luật Việt Nam quy định rõ. Như vậy, các tổ chức kinh doanh loại hình tiền tệ này cũng sẽ không bị đánh thuế tiền điện tử.
Lời kết:
Chúng ta vừa trả lời xong cho câu hỏi liệu pháp luật Việt Nam có đánh thuế tiền điện tử hay không? Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/CT – TTg ngày 11/04/2018 yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến thị trường tiền điện tử. Bộ khung pháp luật quy định về tiền điện tử cũng đang được xây dựng. Như vậy trong thời gian tới đây, việc có một bộ luật cụ thể xác định hoạt động đánh thuế tiền điện tử chỉ còn là vấn đề thời gian.
Xem thêm: Blockchain là gì? tìm hiểu về Blockchain trong 5 phút